Lúng túng trong tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân

"Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng". Đây là nhận định được nêu trong Báo cáo tổng kết An ninh mạng 2024 Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) vừa công bố. Nghiên cứu dựa trên khảo sát 4.935 đơn vị, tổ chức tại Việt Nam.

Theo báo cáo, mặc dù đã có Nghị định 13/2023/NĐ-CP và sắp tới là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến. Công tác thực hiện các quy định này tại các cơ quan, doanh nghiệp còn nhiều lúng túng.

Số liệu từ NCA cho thấy hiện mới có 56,53% đơn vị đã bố trí cán bộ chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong khi có tới 43,47% đơn vị không có nhân sự chuyên trách hoặc chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm.

Đáng chú ý, vẫn còn 19,45% cơ quan và doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Doanh nghiệp chưa có nhân sự chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo đó, có tới 58,82% tổ chức, doanh nghiệp cho biết gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề thủ tục, quy trình, và pháp lý. 17,65% đơn vị cho biết đang thiếu biện pháp kỹ thuật bảo vệ dữ liệu. Ngoài ra, các đơn vị cũng gặp khó khăn về cơ chế và tài chính. Điều này khiến nhiều tổ chức dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu.

Tuân thủ nghiêm các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo dự báo, năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về an ninh mạng. Đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng, khai thác dữ liệu ngày càng tinh vi phức tạp hơn nhờ các công nghệ mới, việc tuân thủ bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết để đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức trong thời đại số.

Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng thông tin, như đánh cắp danh tính, lừa đảo hoặc tấn công mạng, gây thiệt hại tài chính và uy tín. Đồng thời, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng giúp doanh nghiệp tránh các hậu quả pháp lý và xử phạt nghiêm trọng. Điều này không chỉ tăng cường lòng tin của khách hàng mà còn bảo vệ hình ảnh của tổ chức.

Bên cạnh những hạn chế từ phía tổ chức, thói quen sử dụng dịch vụ trực tuyến thiếu an toàn của người dùng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân.

doanh nghiệp chưa có nhân sự chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trước đó, Báo cáo an ninh mạng 2024 (khu vực người dùng cá nhân) của NCA cũng cho thấy 66,24% người dùng xác nhận thông tin cá nhân từng bị sử dụng trái phép. Những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng này là do người dùng cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến; chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và thông tin, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, siêu thị.

Thực tế cho thấy, nhiều người dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân mà không kiểm tra kỹ lưỡng. Điều này vô tình trở thành "cánh cửa" mở rộng cho tin tặc. Với những công cụ hiện đại như AI, tin tặc có thể dễ dàng khai thác, phân tích dữ liệu cá nhân để xây dựng các kịch bản lừa đảo tinh vi, từ đó gây ra nhiều phiền toái và thiệt hại cho người dùng.

Hiệp hội An ninh mạng khuyến cáo, người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội. Trước khi cung cấp thông tin, cần kiểm tra kỹ lưỡng uy tín của các website và doanh nghiệp. Sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực hai yếu tố để bảo vệ các tài khoản cá nhân.