Hội thảo quốc tế về Dữ liệu lớn, IoT và Điện toán đám mây (International Conference on Big Data, IoT and Cloud Computing – BIC 2024) đã diễn ra ngày 12/8 tại Swinburne Việt Nam với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp. Đại diện Công ty cổ phần an ninh dữ liệu Việt Nam (VNDS) tham dự và có bài tham luận tại hội thảo.
Thách thức bảo vệ dữ liệu trong kỷ nguyên AI
Ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN nhận định: Dù trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại các lợi ích to lớn cho cộng đồng nhưng cũng cần nghiên cứu và có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển và sử dụng. Ông Tùng cho rằng, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn để định hướng; đẩy mạnh việc chia sẻ, trao đổi thông tin về các quy trình, các biện pháp thực hành giữa các bên liên quan để có thể kiểm soát các rủi ro.
Nêu ra các rủi ro, thách thức bảo vệ dữ liệu trong kỷ nguyên AI, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty cổ phần An ninh mạng SCS cho rằng dữ liệu có vai trò quan trọng trong hệ thống AI. Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bên cạnh những lợi ích AI mang lại chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về vấn đề bảo mật, an toàn dữ liệu. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết nhiều quốc gia đã cùng bàn luận các quy định, công cụ để quản lý AI cũng như bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng một cách có trách nhiệm. “Tại Việt Nam, Nghị định Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cơ quan quản lý tới vấn đề tuân thủ bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trong trong bối cảnh các vụ vi phạm dữ liệu đang diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi hơn,” ông Ngô Tuấn Anh nói.
Giải pháp giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân
Tham dự “An toàn dữ liệu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Anh Bình, Giám đốc dự án VNDS đã có bài tham luận về giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tuân thủ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại diện VNDS cho biết, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã đặt ra những yêu cầu quan trọng vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Nghị định đặt ra những yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc thiết lập các biện pháp quản lý mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu cá nhân như: Phân loại dữ liệu; Yêu cầu sự đồng ý để xử lý dữ liệu; tăng cường quyền của chủ thể dữ liệu... Với các quy định này, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, những thách thức trong đảm bảo tuân thủ.
Trước thực tế này, VNDS đã phát triển nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp thực hiện các quy trình này một cách đơn giản và hiệu quả hơn. Nền tảng DataTrust sẽ đơn giản hoá quá trình tuân thủ bảo vệ dữ liệu cho doanh nghiệp. Đây là công cụ giúp các cơ quan, tổ chức Tự động hóa và Đơn giản hoá các quy trình chứng minh tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nền tảng DataTrust cung cấp bộ công cụ toàn diện, hỗ trợ thực thi đầy đủ các quyền của chủ thể dữ liệu, đảm bảo tuân thủ tối đa cho doanh nghiệp như: Thực hiện báo cáo hiện trạng; Báo cáo tuân thủ; Báo cáo thủ tục hành chính; Thực hiện 11 quyền của chủ thể dữ liệu. Ngoài ra, hệ thống giám sát tuân thủ chủ động của DataTrust cũng giúp doanh nghiệp tự phát hiện các vấn đề trong triển khai tuân thủ.
Cũng tại hội thảo, phiên toạ đàm củng chủ đề với sự tham gia của nhiều chuyên gia đã đến cho khách mời tham dự nhận thức về quan trọng của những kỹ năng số để đối phó với các tình huống lừa đảo khó lường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phát triển sản phẩm dựa trên khung đạo đức và pháp lý, nhằm đảm bảo rằng thông tin cá nhân của khách hàng được bảo vệ đúng cách và tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu.